Học Bi-A căn bản bài 6 - Luật cơ bản của những kiểu đánh Bi-A phổ biến


Dr. Clock - Có rất nhiều kiểu chơi Bi-A khác nhau, và ngay trong chính một kiểu chơi cũng có thể có những luật khác nhau một chút. Nên nếu đánh với những người mới thì ngay từ đầu bạn nên thống nhất trước về luật để tránh tranh cãi sau này. Bài này tôi sẽ hướng dẫn cho bản một số kiểu chơi Bi-A khá phổ biển ở Việt Nam và luật cơ bản của chúng.

Khoang màu
  • Một người sẽ ăn từ 1 - 7 và người còn lại ăn từ 9 - 15, khi ăn xong sẽ ăn con số 8.
  • Để biết ai đánh dãy số nào thì không tính bi rơi xuống lỗ ở cơ phá, và sau đó nếu ai ăn bi ở dãy số nào thì sẽ theo thế mà đánh. Ví dụ player 1 phá bàn và ăn được con 2, do đây là cơ không tính. Họ vẫn được đánh tiếp và nếu ăn con 3 thì sẽ đánh từ 1 - 7, hay ăn con 10 thì đánh từ 9 - 15. Khi chưa biết ai ở dãy số nào thì ta gọi là "mở".
  • Khi đã xác định dãy số của player nào thì lần chạm bi đầu tiên không được chạm vào 8 hoặc dãy số của đối phương nếu không sẽ bị tính là Penalty (đối thủ được đặt bi ở đâu tuỳ thích). Ví dụ dãy số của bạn là 1 - 7 thì bạn không được để bi cái trong lần chạm đầu tiên chạm vào con số 9 - 15, nhưng vẫn có thể đánh ví dụ bi 2 vào bi 10.
  • Khi ăn được bi trong dãy số của bạn thì bạn sẽ được đánh tiếp, đánh hết bi trong dãy số sẽ được chạm và đánh 8. Khi đánh 8 cần chỉ rõ đánh lỗ nào và nếu ăn sai lỗ cũng thua.
  • Trong một lần đưa cơ bi cái phải chạm ít nhất 1 bi và một trong hai bi đó phải chạm băng 1 lần nếu không sẽ bị Penalty.
  • Một cách gọi khác của Khoang màu là chẵn lẻ, luật cũng như vậy nhưng thay vì đánh dãy số từ 1 - 7 và 9 - 15 thì giờ là đánh dãy số lẻ, dãy số chẵn.
  • Những người hơn trình độ nhau có thể chấp 8 rời hoặc 8 liền. Ví dụ chấp 2 con 8 rời thì người đó phải ăn 2 con 8 nhưng do là rời nên khi ăn được 1 con 8 là kiểu gì cũng chuyển lượt cho đối thủ. Còn nếu là 2 con 8 liền thì sau khi ăn 1 con 8 vẫn được quyền đánh tiếp.
Đánh nhiều khoang màu bạn sẽ thấy khi đánh tới con 8 tâm lý khác hẳn với con khác

Tá lả
  • Mỗi người sẽ nhận 8 - 10 cây bài hoặc tuỳ vào quy định của riêng nhóm bạn thế nào.
  • Khác với khoang màu, trong Tá lả bạn được chạm vào bất kỳ bi nào nhưng chỉ được đánh xuống lỗ nhưng bi có trên bài của bạn.
  • Khi ăn được 1 cây đầu tiên có trên bài sẽ gọi là chống móm, và nếu người khác cũng ăn cây đó thì khi này bạn có thể gửi. Ví dụ nếu bài bạn có con 7 và đã chống móm, khi địch thủ đánh rơi 7 xuống thì lúc họ đánh xong bạn cũng được hạ con 7 xuống.
  • Nếu ăn nhầm con không có trên bài bạn hoặc bi cái không chạm được con nào và một trong hai con đó không chạm vào băng được 1 lần thì bạn sẽ bị sẹo. Khi này bạn sẽ bốc thêm 2 cây nữa, nếu bạn đã chống móm thì khi bốc lên 1 trong 2 cây mà đã có người ăn rồi thì bạn phải đặt luôn xuống và bốc cây mới tới khi có đủ 2 cây. Còn trong trường hợp chưa chống móm thì bốc 2 cây nào lên cũng phải cầm vào bài. Tuỳ từng quy định nhưng thông thường bị 2 hoặc 3 sẹo trong 1 ván là coi như thua luôn.
  • Những bi rơi xuống lỗ mà bạn không có thì sẽ phải nhặt bi đó lên và đặt ở giữa bàn.
  • Khi bài bạn còn 2 hoặc 3 cây bạn sẽ phải báo (tuỳ vào quy định từng nơi) để mọi người biết bạn chỉ còn từng đó cây.
  • Ván đấu kết thúc khi một người đã ăn hết bài của họ hoặc không còn bài để bốc (trường hợp này người đó bị thua luôn), những người còn lại sẽ tính điểm dựa trên số bài mình còn (càng ít càng tốt).
Tá lả 1 cây
  • Nhặt riêng 13 con cùng chất trong 1 bộ bài và tương ứng với bi từ 1 - 13 ví dụ toàn bích, toàn tép... Bi 14 và 15 sẽ do mọi người quy định ví dụ Q rô là 14, K rô là 15.
  • Mỗi người nhặt 1 cây, và trong lượt bạn được chạm hoặc ăn bất kỳ con nào trên bàn. Nếu ăn được đúng cây của bạn thì mỗi người kia thua bạn 1 điểm (tổng bạn có 2 điểm), sau đó bạn hạ xuống và bốc tiếp.
  • Nếu ăn được cây của người khác (người cầm cây đó phải có trách nhiệm báo) thì bạn sẽ được 1 điểm từ người kia, và người đó bốc bài.
  • Bạn bị tính sẹo khi chết cái hoặc bi không chạm vào 1 bi khác và đập băng 1 lần, khi này bạn mất lượt đồng thời mất 1 điểm cho mỗi đối phương. Nhưng bạn vẫn giữ nguyên cây trên bài.
  • Ván đấu kết thúc khi ăn hết bi trên bàn hoặc mọi người không còn bài để bốc.
Sẻ lỗ 10 thường khó hơn lỗ khác

Lỗ 10
  • Tuỳ từng nơi quy định chấp ví dụ 3 - 2 nghĩa là một bên phải đánh 3 bi vào lỗ 10 còn đối phương đánh 2 bi.
  • Trước khi ăn đủ số bi vào lỗ 10, thì những con bạn đánh rơi lỗ tít sẽ phải nhặt lên để ra giữa và bạn không được đánh tiếp. Còn nếu đánh vào lỗ 10 thì bạn được đánh tiếp.
  • Khi đánh đủ số lỗ 10 quy định bạn được quyền đánh lỗ tít và lúc này ăn lỗ tít cũng được đánh tiếp.
  • Ván đấu kết thúc khi một người có tổng điểm số bi nhiều hơn 60, một số nơi đánh với luật làm tròn có nghĩa phải cộng đủ 60 điểm chứ không được thừa không được thiếu.
  • Bạn bị sẹo khi chết cái hoặc bi cái không chạm được bi khác một lần và một trong 2 bi chạm băng 1 lần, khi này đối phương sẽ nhặt bi đặt ở điểm phá và được quyền đánh 2 cơ liên tiếp (không kể cơ ăn mà được đánh tiếp).
Kết luận

Mỗi kiểu chơi có cái hay riêng và rèn luyện cho bạn kỹ năng khác nhau. Nhưng nếu bạn là người mới chơi thì tốt nhất nên học đánh khoang màu vì nó đơn giản, có nhiều bi để đánh, thêm cơ hội luyện tập. Nếu đi đông như từ 4,5 người trở lên có thể đánh tá lả 1 cây. Nếu muốn so tài kỹ năng sẻ lỗ 10 thì chơi luật lỗ 10, đánh tá lả khi bạn đã thực sự cao thủ và gặp đúng cạ, thì trận đấu sẽ rất gay cấn và hấp dẫn.

Xem các bài hướng dẫn Học Bi-A khác tại đây.

DrClock.VN