Học Bi-A nâng cao bài 5 - Kỹ thuật cân băng và chặt băng


Dr. Clock - Chặt băng thực tế chỉ là một con sẻ đơn thuần nhưng do nó ở sát băng hạn chế tầm nhìn nên khiến những người mới chơi chưa quen, sẽ sợ và từ đó làm ảnh hưởng tới độ chệch của đường bóng. Cân băng lại mang hơi hướng của một nghệ sỹ nghĩa là không thể chắc chắn tuyệt đối được nhưng tất nhiên bạn hoàn toàn có thể tăng tỷ lệ trúng lỗ. Bài này tôi sẽ hướng dẫn bạn cách để không sợ sệt những cú chặt băng cũng như giới thiệu những quy tắc căn bản của cân băng để từ từ bạn rèn luyện và có kinh nghiệm hơn.

Chặt băng

Chặt băng thực tế chỉ là một con sẻ nhưng ở góc độ khác, hình dưới đây minh hoạ một đường chặt băng.


Vẫn đúng khoảng cách đường sẻ đó nhưng ở góc độ khác, trông dễ hơn hẳn phải không?


Thêm một ví dụ góc độ khác, dễ quá nhỉ ?


Vậy tại sao bạn lại sợ chặt băng ?
  • Thứ nhất là do khi bạn sẽ một con không sát băng thì ít ra bạn còn thấy bi nó lăn lăn tới lỗ và lúc đó mới biết được sẽ trượt hay không, hiểu đơn giản là cũng được thở một lúc. Còn khi chặt băng chỉ cần lệch một cái là bi đập băng và bắn ngay lập tức qua hướng khác, lâu dần sẽ tạo ra tâm lý sợ.
  • Thứ hai là về góc nhìn, khi bạn sẻ một con không sát băng bạn chỉ nghĩ điểm bi cái chạm bi đích và bi lỗ, nhưng khi ở sát băng chắc thấy nó cũng khổng lồ nên lại phải chú ý thêm một điểm nữa là điểm băng.
Vậy làm sao để chặt băng tốt hơn ?
  • Có một mẹo là hãy quên sự hiện diện của cái băng, coi như bàn này khuyết băng, băng trong suốt hay băng là thước kẻ của ta và nó ở đó để giúp ta thôi v..v... Tóm lại cứ suy nghĩ nào làm sao để bạn không phải nghĩ tới cái băng đó và chặt thôi. Tất nhiên trước đó bạn cũng cần sẻ thật tốt thì mới chặt tốt được.
Cân băng

Hiểu đường đi của băng và sử dụng điểm chấm: Đầu tiên ta xét tới trường hợp đánh giữa tâm vào bi cái thì hai đường lúc chạm vào băng và từ băng nảy ra sẽ tương xứng với nhau. Chấm đỏ trên bàn sinh ra để bạn đo đạc đường cân băng, nhìn vào hai ví dụ dưới đây và để ý tới chấm đỏ trên băng bạn sẽ thấy chúng đều đi những đường tương xứng.



Nguyên tắc quỹ đạo băng thế này với lực đánh giữa tâm bi cái là luôn luôn như vậy, còn với trường hợp khi đánh vào một bi cái vào bi đích thì quỹ đạo của bi đích cũng gần giống như vậy. Cái độ dung sai và chỉnh nó thế nào cho chuẩn xác chính là cái tạo nên tỷ lệ trúng của mỗi lần đánh bóng. Để điều chỉnh tỷ lệ này sẽ không có công thức nào chuẩn xác mà chỉ có kinh nghiệm dần dần và độ tinh tế của từng người sẽ tăng tỷ lệ này cao hơn. Nhưng dưới đây là hai gợi ý mà theo kinh nghiệm đánh của tôi thấy khá đúng, bạn có thể bắt đầu tập từ đây và rèn luyện cảm giác cho riêng mình.

Cân bóng thuận: Hướng bóng bi cái đi và bi đích khi đập vào băng và văng ra theo cùng 1 hướng. Tỷ lệ đo như ở trên trong tình huống này sẽ không bị dung sai nhiều khi đánh vào tâm bi cái. Còn trong trường hợp bạn phê bi cái thì nếu phê trái, bi đích sẽ khuynh hướng bay qua phải nhiều hơn, ngược lại khi phê phải thì bi đích sẽ có khuynh hướng bay qua trái nhiều hơn. Ví dụ như trong hình dưới đây, nếu không phê thì bi 7 sẽ đi theo đường số 1. Còn khi phê trái bi 7 sẽ bị xoáy ngược lại để giảm độ nghiêng theo như đường 2.


Tất nhiên bạn có thể hỏi là vậy chỉ cần bi cái chạm vào bên phải 7 thì nó cũng tự động đi được như đường 2 và vào lỗ rồi chứ không phải phê. Đúng vậy, việc phải phê khi cân là điều cuối cùng bạn muốn làm còn ta luôn phải tính đường cân cho đơn giản trước, càng đơn giản bao nhiêu thì tỷ lệ thành công càng cao. Nhưng có những trường hợp ví dụ như hình dưới khi đường của bi cái đến bi 7 bị chặn bởi bi 13 thì buộc bạn chỉ còn đường cân và phê trái.


Cân bóng ngược: Hướng bóng bi cái đi và bi đích đi ngược lại nhau. Cân thế này thì cái tỷ lệ sẽ bị dung sai tương đối lớn, ví dụ như hình dưới khi cân mà đánh vào giữa tâm bi cái. Nếu theo quỹ đạo chuẩn ta bàn ở trên thì bi 7 lẽ ra phải đi theo đường 1 mới tương xứng, nhưng thực tế nó sẽ đi theo đường 2.


Hay hiểu cách khác, khi ta cân ngược thì thế nào bi đích cũng bị giằng lại một tí, có thể lý giải bằng độ xoáy. Mỗi khi ta phê ngược ví dụ như hình trên ta phải đánh vào bên phải 7 thì do đi ngược nên 7 sẽ xoáy từ phải qua trái, chính vì độ xoáy thế này cho nên khi đập vào bi 7 cũng kiểu như ta đánh phê, sẽ khiến bi 7 bị giằng lại. 

Suy nghĩ theo một cách khác cho đơn giản hơn, nếu xác định cân ngược thì bạn nên cân thừa ra một tí vì bi sẽ bị kéo lại, trong trường hợp đường bắn bị lấp bởi bi khác không thể cân thừa được (đánh mé nhiều hơn) thì bạn sẽ phải đặt phê bi cái. Ví dụ như hình dưới, bi 5 chặn đường khiến bạn không thể cân thừa được hơn còn nếu cân giữa tâm bi cái thì bi 7 sẽ bị giằng lại chút và đi theo đường 1. Ta sẽ muốn đặt phê phải để bi 7 xoáy đập băng và đi theo đường 2.


Cân bi sát băng

Khi cân mà bi đích ở sát băng sẽ hay xảy ra tình trạng nổ bi, là do quá sát băng nên bi 7 lại bị đập vào bi cái thêm lần nữa và chệch hướng. Thường thì nếu điểm tiếp xúc giữa bi cái và bi 7 càng nhiều thì khả năng nổ bi càng cao. Nên ban sẽ muốn làm sao cho mặt tiếp xúc giữa bi cái và bi 7 càng ít càng tốt, sau đó phê ngược lại để tăng thêm độ giăng bi sau khi cân. Đồng thời kinh nghiệm của tôi để tránh nổ bi bạn sẽ muốn culê cả cái lên nữa. Ví dụ như hình dưới, đầu tiên bạn sẽ muốn đánh bi cái tiếp xúc với 7 không quá nhiều nhưng cũng không quá ít để hạn chế độ nghiêng, nếu đánh thế này vào giữa tâm thì bi 7 sẽ đi theo đường 1. Để đi theo đường 2, bạn sẽ muốn culê cái cộng thêm góc sẻ có thể hạn chế nổ bi, phê trái để bi 7 giằng về nhiều hơn.


Bóc bi

Bóc bi là khi một bi gần sát băng và muốn cân nó, bản chất thì bóc bi cũng giống như cân chỉ khác là điểm bi cái nằm ở vị trí chênh hẳn so với hướng cân. Một tình huống hay xảy ra khi bóc bi là do hướng đánh nên khả năng bi đích đập vào băng rồi bắn vào bi cái là rất cao sẽ dẫn tới chệch đường cân. Để giảm tỷ lệ này cũng có nhiều cách, nhưng có một cách cơ bản (tất nhiên cũng tuỳ trường hợp) là culê để bi cái sau khi đập bi đích sẽ nhanh chóng tiến thẳng tránh va chạm với bi đích một lần nữa. Với lý thuyết này tương tự áp dụng với một số trường hợp có thể bạn sẽ muốn trô bi lại v..v... 

Ví dụ ở hình dưới nhìn qua bạn có thể thấy đường đi của bi cái và bi 7 cắt nhau nên theo lý thuyết thì có khả năng đập nhau. Vậy bạn sẽ muốn culê cái để nó tiến nhanh hơn bi 7 và không bị đập vào nhau.

Bài tập:
  • Chặt băng là kỹ năng cực kỳ quan trọng và phải làm sao để đánh nó tự tin như sẻ một con bình thường. Hãy rèn liên tục và đừng nản, những người mà tôi biết kỳ lạ là sau một thời gian giỏi hơn về chặt băng thì giờ lại thích chặt hơn cả sẻ.
  • Luyện cân băng là kỹ năng khó thành thạo nhất vì nó chả có một công thức nào tuyệt đối cả. Nhất là khi trong một ván đấu lại có quá nhiều điều kiện có thể ảnh hưởng tới nó như cơ không chắc khiến vô tình phê, tâm lý, hay tỷ lệ dung sai ảnh hưởng... Nhưng đây cũng là kỹ năng cần phải luyện vì có thể có những lúc chỉ còn đường cân (ví dụ do đối thủ chạy đạn) hay thậm chí cân được con đó sẽ đảo ngược lại ván cờ thì bạn cũng phải muốn luyện tập để cảm giác cân bóng ngày càng tốt hơn. Tạm thời hạn chế bóc hay cân ngược mà bắt đầu luyện cân thuận trước và từ từ sẽ luyện thêm.
DrClock.VN