Học Bi-A nâng cao bài 6 - Kỹ thuật trô và ứng dụng


Dr. Clock - Trô là kỹ năng điều khiển cái vô cùng hữu ích, có thể với người chơi mới định nghĩa trong đầu trô chỉ là giật cái về nhưng thực ra pham vi của nó nhiều hơn thế. Có những tình huống không nhất thiết phải cắm hẳn về mà dùng trô để chỉnh lại hướng đi một chút hay khiến cái đứng yên tại điểm đánh. Bài này sẽ cho bạn bức tranh tổng quát về trô và một số tình huống ứng dụng thực tế.

Làm sao để trô giật hẳn cái về

Bên cạnh việc đánh chắc tay thì còn hai yếu tố nữa liên quan. Thứ nhất là khoảng cách, khoảng cách càng xa thì độ giật về càng yếu. Thứ hai là góc bạn sẻ bi, nếu tầm tiếp xúc không đủ thì dù cố gắng trời đi nữa cũng khó lòng kéo được hướng cái về. Dưới đây là ví dụ bi cái có thể giật về, điểm tiếp xúc giữa bi cái và bi 7 tương đối lớn nên nó hoàn toàn có thể giật được về.


Còn đây là ví dụ bi cái khó có thể giật về hướng như trong hình dù có thử thế nào đi nữa.


Vậy điều đầu tiên khi muốn giật cái về bạn cần xem cái thế bi đó có thể giật về được hay không chứ không phải cứ cắm đầu vào đánh và cố nó giật về cho bằng được.

Độ cắm ảnh hưởng thế nào tới hướng bi giật về. 

Tất nhiên yếu tố đầu tiên là lực phải chuẩn rồi, và khoảng cách không quá ngắn để tới lúc bi cái đập vào bi đích không còn tí lực xoáy về. Thường độ cắm sẽ thể hiện nhiều ở những quả sẻ mà mặt tiếp xúc hai bên không phải tầm 90%. Ví dụ như trong hình dưới, đường 1 là với lực cắm sâu xuống phía dưới bi cái, đường 2 là cắm vừa hơn và đường 3 là cắm xuống một chút. Vậy điều này để làm gì? Hiểu và có cảm giác tuỳ chỉnh độ cắm sâu hay nông để giúp bạn điều bi tuỳ từng thế trận.


Đánh cho bi cái đứng ngay gần điểm chạm bi đích dù được bắn mạnh

Đây thực chất cũng chỉ là 1 kiểu biến hoá của trô nhưng lực trô được sử dụng vừa phải, hình dung là nếu bình thường đánh vào tâm bi cái vào bi đích thì thường bi cái sẽ vẫn lăn tiếp lên, việc sử dụng lực trô để cho nó vừa đủ cân bằng lực tiến và đứng yên. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực tế đánh lại khá đơn giản, quan trọng là bạn phải chọn những thế bi mà bi cái và bi đích tiếp xúc với nhau gần như hoàn toàn. Ví dụ như hình dưới, để đánh bi 7 vào lỗ thì bi cái tiếp xúc gần như hoàn toàn, giờ bạn chỉ cần cắm xuống một tẹo và lực vừa phải thì bi cái sau khi đập bi 7 sẽ chỉ đứng tại đó hoặc lăn gần đó một chút. Nếu không thành công thì có thể lúc tiếp xúc bi cái bị chệch với bi 7, hoặc do bạn cắm quá mạnh v..v...


Một số thế điều bi bằng trô:

Bi cái đánh vào 7 cắm xuống và lực trô vừa phải, lùi về để sẻ bi 11 vào lỗ 10.


Bi cái không được chạm 12 và 15 đầu tiên, đánh 7 vào lỗ 10 với trô một chút và lực vừa phải để vòng qua bi 12 và 15 để điều bi 6 vào lỗ tít.


Bi cái đánh 7 vào lỗ và giật về lực vừa đủ để chạm băng bật ra và điều 6 vào lỗ tít.


Trô và phê

Thực ra nó cũng chỉ là một cách điều bi liên quan tới băng, ví dụ nếu trên đường trô giật về của bi cái chạm vào băng thì bạn có thể thêm tí phê cho nó để bay tuỳ theo mục đích của bạn. Dưới đây là ví dụ về một tình huống cũng hay xảy ra, đó là khi bạn muốn cái bay ngược hẳn về để có thể điều các con ở nửa bàn bên kia nhưng nếu chỉ cắm lại không thôi thì chưa chắc đã bay được do đó cần phải phê nữa. Theo hình dưới đường 1 là nếu bạn chỉ có cắm thôi nhưng bi vẫn nằm ở phía bên kia bàn, đường 2 là khi bạn vừa đặt trô vừa phê phải thì bi sẽ có khả năng bay xa hơn về phía góc bàn kia.


Bài tập
  • Mới đầu trô mà bi không cắm về cũng đừng nản, cái này sẽ mất một thời gian thành thạo và khi thành thạo rồi có muốn quên cũng chả được. Có thể thử nâng cao tay đặt cơ lên một tẹo -> cơ sẽ cao lên và chúc xuống hơn để tăng độ xoáy ngược về, nhưng đừng có nâng cao quá lại thành cú masse. 
  • Cũng không nên liên tục trô mà phải biết khả năng mình tới đâu, trô một con khoảng cách xa khó hơn nhiều với con khoảng cách gần. 
  • Điều quan trọng nhất bạn phải có cảm giác về độ cắm trô sâu tới đâu và đường bóng đi thế nào vì điều này rất liên quan tới các đường điều bi của bạn.
Xem các bài hướng dẫn Học Bi-A khác tại đây.
DrClock.VN